Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Hiện nay  nhà đầu tư nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến khích khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam, có nhiều hình thức đầu tư nước ngoài được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan để các nhà đầu tư lựa chọn. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tiến hành đầu tư theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Đầu tư trực tiếp
Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư, bao gồm các hình thức sau:
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Tổ chức kinh tế liên doanh có thể là công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần được thành lập và tổ chức theo qui định của Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra nhà đầu tư nước ngoài còn có thể đầu tư thành lập các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo qui định của pháp luật; cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi; và các tổ chức kinh tế khác theo qui định của pháp luật.
2. Đầu tư theo hợp đồng: nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành hoạt động đầu tư theo hình thức này có thể ký kết các loại hợp đồng như hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng-chuyển giao- kinh doanh (BTO) hoặc hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT).
BCC là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới. Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không không mất thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới.
BOT, BTO là hình thức đầu tư được ký kết giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, trong BOT nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng đó trong một thời gian nhất định sau đó chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; còn đối với BTO thì nhà đầu tư chuyển giao công trình xây dựng cho Nhà nước khi xây dựng xong, chính phủ sẽ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
BT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, sau khi xây dựng xong nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ dành cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng.
3. Đầu tư phát triển kinh doanh: nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư phát triển kinh doanh thông qua các hình thức như mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
4. Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư: tỷ lệ vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành nghề do Chính phủ quy định.
5. Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo qui định của pháp luật.
Đầu tư gián tiếp
Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các chế định tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Đầu tư thông qua mua, bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác của tổ chức, cá nhân và thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp theo qui định của pháp luật về chứng khoán và các quy định của pháp luật có liên quan.
Hãy liên hệ công ty luật ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com hoặc gọi số Hotline để được tư vấn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét